Khi sang New Zealand du học, bạn sẽ có nhu cầu lập một tài khoản ngân hàng bản địa để thuận tiện cho việc chi tiêu hàng ngày. Dưới đây là một số điều cần lưu ý trước khi mở tài khoản.
Nội Dung
Hệ thống Plus hoặc Cirrus
CIRRUS của MasterCard và PLUS của Visa là hai hệ thống ATM lớn nhất thế giới, cho phép thẻ của các ngân hàng và những tổ chức tín dụng kết nối với nhau, tạo nên một mạng lưới rộng khắp toàn cầu. Nếu thẻ ATM của bạn được liên kết với một trong hai hệ thống này, bạn có thể giao dịch với hàng ngàn máy rút tiền ở khắp New Zealand. Trong khi Cirrus linh hoạt với nhiều loại thẻ ATM hơn thì Plus chỉ được thực hiện tại ngân hàng ANZ (Australia New Zealand Bank).
Phân biệt Tài khoản hiện tại (Current Account) và Tài khoản ngân hàng sinh viên (Student Bank Account)
Tài khoản hiện tại cho phép bạn gửi tiền an toàn vào ngân hàng và truy cập nó bất cứ khi nào bạn cần. Loại thẻ này được thiết kế để sử dụng hàng ngày, vì vậy bạn nên sử dụng chúng để trả các hóa đơn, mua thức ăn hoặc đi ăn ngoài. Thường thì bạn sẽ được nhận kèm một thẻ ghi nợ, vì vậy bạn có thể rút tiền từ máy ATM hoặc mua sắm tại các cửa hàng trên khắp New Zealand. Thẻ ghi nợ (Debit card) rất phổ biếnở xứ sở bò sữ và được sử dụng trong hơn một nửa tổng số các giao dịch trên toàn quốc.
Tài khoản ngân hàng sinh viên được thiết kế dành riêng cho sinh viên với khá nhiều lợi ích riêng của từng ngân hàng và có chung một đặc quyền là không phải trả phí cho bất kỳ giao dịch hay dịch vụ thêm nào.
Về tài khoản ngân hàng sinh viên quốc tế
Tài khoản ngân hàng sinh viên quốc tế cung cấp các dịch vụ tương tự như tài khoản ngân hàng sinh viên (Student Bank Account) cùng với những đặc quyền cụ thể. Một số ngân hàng như Kiwibank hay ANZ cho phép bạn có thể nói chuyện với nhân viên sử dụng cùng ngôn ngữ của bạn, trong khi tài khoản sinh viên quốc tế của Westpac sẽ cho phép bạn cất giữ tiền tệ nếu bạn muốn.
Điều khác biệt là sinh viên quốc tế không được áp dụng mức thấu chi không tính lãi như đối với Student Bank Accout, cho phép bạn chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn có với mức hạn định nhất định mà không cần phải trả bất kỳ khoản phí cơ bản hay phí giao dịch nào.
Chọn ngân hàng sát với nhu cầu
Việc chọn ngân hàng để lập tài khoản đặc biệt quan trọng, với mỗi ngân hàng là một ưu điểm riêng. Ngân hàng ANZ (Australia New Zealand Bank) hiện là ngân hàng lớn nhất vàcó nhiều hệ thống ATM nhất, ngân hàng này có cả các chi nhánh tại Việt Nam nên bạn có thể tạo tài khoản trước rất dễ dàng.
Với những bạn học tập ở xa trung tâm thì ngân hàng Kiwibank là lựa chọn phù hợp. Ngân hàng này trựcthuộc bưu điện quốc gia New Zealand nên bất cứ nơi nào nơi nào có bưu điện là nơi đó bạn có thể tiến hành giao dịch với Kiwibank.
Nếu bạn đăng ký chương trình Student Pac của ngân hàng Westpac, ngoài thẻ tín dụng bạn còn được nhận một tài khoản Save & Win mang lại cơ hội giành chiến thắng giải thưởng tiền mặt hàng tháng.
Trong khi đó, gói Tài khoản đại học của ngân hàng ASB còn tặng kèm những ưu đãi đặc biệt như miễn phí một phần khoai tây chiên khi bạn sử dụng thẻ ghi nợ của ngân hàng này tại các cửa hàng McDonald.
Đặt hẹn, chuẩn bị giấy tờ mở tài khoản ngân hàng
Sau khi đã chọn lựa ngân hàng, bạn tiến hành đặt lịch hẹn với chi nhánh gần nhất vì một số chi nhánh ở trung tâm thường khá đông. Giờ làm việc của các ngân hàng ở New Zealand là từ 9h đến 16h30, thứ hai đến thứ sáu. Để tiết kiệm thời gian, bạn nên gọi trực tiếp đến ngân hàng qua hotline trên website để biết chi nhánh nào đang trống lịch và đi bus đến đó.
Những giấy tờ bạn cần chuẩn bị gồm các giấy tờ chứng minh rằng bạn đang/sẽ học tập chính quy tại trường (thư đồng ý nhận học hoặc hóa đơn học phí) và bằng chứng về địa chỉ cư trú của bạn ở New Zealand (hợp đồng thuê nhà hoặc hóa đơn tiện ích).
Tạo tài khoản online thì sao?
Một số ngân hàng lớn như ANZ, Kiwibank, BNZ và ASB sẽ cho phép bạn mở một tài khoản ngân hàng trước khi đến New Zealand. Tất cả những gì bạn cần làm là điền vào các mẫu đơn trên trang web của ngân hàng đã chọn, sau đó bạn sẽ nhận được một email cung cấp các nội dung chi tiết của tài khoản mới chỉ trong vòng vài ngày. Ngay khi đặt chân đến New Zealand, đừng quên ghé đến các chi nhánh đại phương của ngân hàng để kích hoạt đầy đủ tài khoản càng sớm càng tốt nhé.