Nội Dung
Thử cảm giác đi… chân trần khắp mọi nơi
Nghe có vẻ khó tin nhưng người New Zealand có thói quen thích đi chân đất bất kể đó là đi siêu thị, dùng bữa ở nhà hàng hay đến uống vài cốc bia ở những quán bar. Nhất là vào mùa hè, giày dép chưa bao giờ là vật dụng bất ly thân đối với người dân ở nước này. Người bản địa Maori có một niềm tin mãnh liệt rằng việc đi chân đất sẽ góp phần giúp con người trở nên gần gũi hơn với thiên nhiên. Đây là một nét văn hóa đặc trưng của người New Zealand mà du học sinh chắc chắn phải thử ít nhất một lần.
Thưởng thức “đặc sản” thịt cừu
Dân số tại New Zealand chỉ khoảng 5 triệu người (số liệu năm 2020) nhưng số lượng cừu lên đến 30 triệu con. Đó là lý do khi đến dùng bữa ở bất kỳ nhà hàng nào tại New Zealand bạn đều có thể bắt gặp món ăn được chế biến từ thịt cừu trong thực đơn. Nếu chọn New Zealand làm địa điểm du học, bạn đừng quên thử thưởng thức món thịt cừu trứ danh tại đây vì không phải quốc gia nào cũng có loại đặc sản này.
“Tiền chợ” ở New Zealand đắt… xắt ra miếng
Cụ thể, bạn sẽ phải chi tầm 40 USD (khoảng 900 ngàn đồng) để mua một kí… chanh, 3 USD (khoảng 70 ngàn đồng) cho một quả ớt chuông và 10 USD (khoảng 200 ngàn) cho phô mai. Các sản phẩm được làm từ thịt ngoài thịt cừu cũng có giá cả đắt đỏ không kém. Nguyên nhân cho việc thực phẩm ở đây có giá cao được một số người suy đoán là do… phí vận chuyển bởi New Zealand có đất rộng nhưng người thưa. Để tiết kiệm chi phí cho việc ăn uống, bạn nên chọn mua các loại thực phẩm do người New Zealand sản xuất thay vì dùng các sản phẩm ngoại nhập.
Gặp đối thủ của “cà phê sữa đá”
Nếu bạn yêu thích thức uống “cà phê sữa đá” nổi tiếng của Việt Nam thì khi du học New Zealand bạn sẽ được thưởng thức một loại cà phê đặc trưng của xứ sở này cũng hấp dẫn không kém là Flat White. Hãy thử uống một lần và bạn sẽ chẳng bao giờ có thể quên được mùi vị đặc trưng của nó. Có thể cà phê Flat White không ngon bằng cà phê sữa đá ở quê nhà nhưng ít nhất bạn cũng có cái để so sánh và đối chiếu.
Tập thói quen đến quầy trả tiền sau khi ăn xong
Ở hầu hết các quốc gia khác và kể cả Việt Nam, sau khi ăn xong bạn sẽ nhờ phục vụ đem hóa đơn thanh toán đến tận bàn rồi nhận tiền thừa (nếu có) sau đó. Riêng tại New Zealand thì ngược lại, bạn phải đích thân đến tận quầy thanh toán và trả tiền. Ngay cả khi bạn đi ăn theo nhóm thì việc mỗi người phải đứng dậy tự trả phần tiền của mình cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.
Không cần lo lắng về việc quên tiền tip
Ở New Zealand, đội ngũ phục vụ sẽ không trông chờ khoản tiền tip của khách cũng như không tự động tính một khoản phí dịch vụ phụ trợ nào vào hóa đơn cuối cùng. Tất nhiên nếu bạn có nhã ý trả thêm một khoản tiền nhỏ để cảm kích sự phục vụ chu đáo thì có thể họ vẫn nhận như thường nhưng đây không phải là điều bắt buộc.
Thiên nhiên hoang dã ở cạnh nhà bạn
Bạn không cần phải đi xa hàng ngàn cây số để gặp được những loài động vật như hải cẩu, cá heo, cá voi,… mà có thể vô tình bắt gặp chúng ở mọi nơi tại quốc gia nổi tiếng chan hòa với thiên nhiên này. Dĩ nhiên bạn chỉ có thể cảm thấy thoải mái khi có hàng xóm không nói tiếng người khi và chỉ khi bạn là người yêu thích động vật. Trong trường hợp bạn e ngại loài rắn thì chúc mừng bạn là ở New Zealand không hề có sự hiện diện của rắn.
“Nếm mùi” động đất… hàng ngày!
Mỗi năm New Zealand có khoảng 15,000 trận động đất nhưng hầu hết đều diễn ra ở rất sâu dưới bề mặt nên bạn khó có thể cảm nhận được. Tuy vậy vẫn có khoảng 150 – 200 trận động đất được ghi nhận mỗi năm với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau. Hầu hết các tòa nhà tại New Zealand đều được thiết kế để có thể chịu đựng và nương theo những đợt rung chuyển khi động đất xảy ra. Người New Zealand cũng được trang bị đầy đủ kiến thức để đối phó với động đất. Nếu bạn chọn du học hay sinh sống ở quốc gia này thì nên chuẩn bị tinh thần rằng “động đất” có thể thể đề tài phổ biến trong đối thoại hàng ngày.
Cập nhật tiếng Anh kiểu New Zealand
Người New Zealand gọi “a cool box” cho hộp ớt, “a dairy” cho cửa hàng, “swimming shorts” cho quần áo và “sweets” cho kẹo mút. Để hiểu được người dân ở đây nói gì thì bạn sẽ phải dành kha khá thời gian học lại một số từ vựng thông dụng.
Bất lực trong việc phát âm tên địa danh ở New Zealand
Hầu hết tên thị trấn hay đường xá ở New Zealand đều được đặt bằng ngôn ngữ bản địa Maori nên gây không ít khó khăn cho những ai chỉ biết tiếng Anh như du học sinh. Ví dụ một số các địa danh khó phát âm như “Paraparaumu”, “Whakapapa” (đọc là fackapapa) hay “Tawharanui” (đọc là Taf-ra-nui). Những địa danh này còn khó nhớ mặt chữ nữa nên nếu bạn muốn hỏi đường để đi đến những nơi này thì tốt nhất nên ghi chú lại cho chắc ăn.
Không cần dùng tiền mặt
Trừ khi bạn muốn đi xe buýt còn tất cả mọi thứ khác đều được chi trả bằng thẻ. Ngay cả khi bạn chỉ mua một thỏi kẹo cao su thì bạn vẫn phải quẹt thẻ như thường. Có một lý giải vui cho thói quen dùng thẻ này của người New Zealand là do vật giá ở quốc gia này cao quá nên nếu đem theo tiền mặt để thanh toán thì ví tiền phải mang theo bên mình sẽ rất… nặng.
Thời tiết ngược với thế giới
Cụ thể, mùa xuân ở New Zealand diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11. Mùa hè kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2. Bạn sẽ đón mùa thu từ tháng 3 đến tháng 5. Thời điểm có thể ngắm tuyết rơi trong mùa đông ở quốc gia này sẽ từ tháng 6 đến tháng 8. Tức là trong khi cả thế giới đang đón mùa xuân về thì bạn ở New Zealand sẽ đi… nghỉ hè, kể cũng thú vị nhỉ?